004 Bài dự thi với chủ đề "Người đầu tàu"
Bài dự thi với chủ đề "Người đầu tàu"
Họ và tên: Nguyễn Thị Bích Hạnh.
Địa chỉ: Chi bộ ấp Phú Mỹ Hạ, xã Phú Thọ, huyện Phú Tân.
Số điện thoại: 0966661169.
“Người đầu tàu”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta khi làm bất kỳ việc gì, cũng đều nghĩ đến nhân dân và vì nhân dân, nhất là đối với người già, trẻ em và những người yếu thế trong xã hội.
Trong chăm lo đời sống Nhân dân, Bác khuyên đồng bào phải trên tinh thần “giúp đỡ lẫn nhau” và đã trở thành bài học sâu sắc của dân tộc ta, lớn hơn là trách nhiệm của Chính phủ đối với Nhân dân. Ngay từ những ngày đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa, Bác đã chỉ rõ mục tiêu của Nhà nước: “Một là, làm cho dân có ăn. Hai là, làm cho dân có mặc. Ba là, làm cho dân có chỗ ở. Bốn là, làm cho dân được học hành” .
Hôm nay, chúng tôi muốn chia sẻ cùng quý vị câu chuyện về một tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ông đã có hơn 50 năm tham gia làm công tác xã hội từ thiện, từ cất, sửa chữa nhà cho đến việc đóng hòm miễn phí và dẫn chương trình lễ di quan cho người mất, ông đều tham gia hết mình, chẳng quản nắng mưa.

Bất kỳ lúc nào gặp ông, chúng ta cũng đều trông thấy một nụ cười hiền hòa luôn hiện hữu trên môi, nhưng mấy ai biết được, phía sau nụ cười ấy là một quá trình cống hiến cả công sức lẫn tiền của cho công tác xã hội từ thiện của địa phương.
Tôi tìm đến nhà ông vào khoảng giữa trưa, bên ngoài trời đang kéo mây đen u ám, chuẩn bị cho những cơn mưa có thể ập đến bất cứ lúc nào. Đó cũng là lúc mà đa phần mọi người đều đang nghỉ ngơi, giải trí hoặc tìm nơi trú mưa sau buổi sáng lao động mệt nhọc…
Còn với ông thì lại khác, khi tôi đến, ông chỉ vừa kịp dọn cơm ra chứ vẫn chưa kịp ăn. Hỏi ra mới biết, ông vừa mới trở về từ “Trại Hòm” – là nơi ông và các anh các chú trong Tổ Trại Hòm dùng để đóng những chiếc hòm miễn phí (hay còn gọi là hòm thí) để hỗ trợ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không may có người thân qua đời.
Ông tên thật là Đặng Hòa Hiệp, sinh năm 1930, ngụ tại ấp Phú Mỹ Hạ, xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Những năm của thập niên 70, khi đất nước ta còn chịu sự giày vò của giặc đói, giặc dốt, nền kinh tế yếu kém, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Khi ấy, ông may mắn có được cuộc sống ổn định hơn so với nhiều người, ông đã không ngần ngại, đứng ra cùng với một số anh em, mở tiệm sạc bình ắc quy, nhà máy xay lúa để gây quỹ dùng vào việc lợp nhà, cất nhà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Dần dần, khi chứng kiến những gia đình nghèo có người thân ốm đau bệnh tật, qua đời, không có điều kiện lo tang lễ chu đáo, thậm chí có người còn không có tiền để mua nổi một cỗ quan tài tử tế. Là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thuần thành, ông nhận thấy cần phải có một tổ đóng hòm thí để giúp cho những trường hợp như thế này.
Nghĩ là làm, ông mời các anh em trong tổ lại, trao đổi, bàn bạc, rồi thì với uy tín sẵn có, mọi người ủng hộ và đi đến thống nhất cao. Sau khi thống nhất, người thì góp công, kẻ góp của, tất cả đều trên tinh thần tự nguyện và tự giác. Ai có cây còng, cây gòn thì góp cây góp ván, người thì góp đinh, góp dụng cụ để đóng hòm.
Những ngày đầu mới đi vào hoạt động, nhiều người đề xuất với ông là đi vận động quyên góp để gây quỹ. Nhưng ông nói với các anh em rằng: “mình cứ làm từ những gì sẵn có của anh em mình góp vào, rồi khi mình làm có hiệu quả, bà con sẽ tự tìm đến mình thôi mấy chú à”.
Và cứ thế, Tổ Trại Hòm được hình thành và dần đi vào hoạt động một cách ổn định, hiệu quả.
Ông bà ta có câu: “nghĩa tử là nghĩa tận”. Khi Tổ Trại Hòm đi vào hoạt động ổn định, ông lại nghĩ đến những hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, hoặc tang gia trong lúc bối rối sẽ cần có người hướng dẫn giúp đỡ để tang lễ diễn ra ấm cúng và trang trọng.
Ông lại đề xuất với các anh em, các cháu trong tổ thành lập thêm Đội Mai Táng, còn ông sẽ làm người hướng dẫn, dẫn chương trình cho lễ di quan, đưa người đã khuất đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Như thấu hiểu được tâm huyết của ông, các anh các chú trong tổ từ thiện xã hội vẫn luôn đồng hành tiếp thêm động lực cho ông, để ông dẫn dắt tổ hoạt động ngày càng hiệu quả hơn nữa.
Tính từ trước đến nay, số hòm miễn phí mà ông và các thành viên trong tổ hỗ trợ đã lên đến cả ngàn cái, không chỉ riêng ở xã Phú Thọ mà kể cả khi các xã bạn có nhu cầu, ông vẫn nhiệt tình hỗ trợ. Thậm chí đối với những gia cảnh quá mức khó khăn, ông còn xuất quỹ hỗ trợ phần nào chi phí cho họ trang trải. Hiện nay tồn quỹ 150 triệu, tổ đã gửi ngân hàng sinh lãi để tiếp tục duy trì hoạt động.
Cho đến tận bây giờ, ở tuổi ngoài 90 - cái tuổi có thể nói là quá “thất thập cổ lai hy”, ông vẫn không lùi bước, vẫn tham gia với tổ bằng những việc vừa với sức khỏe mình, để làm “người đầu tàu”, lèo lái, dẫn dắt các thế hệ con cháu cùng chung tay làm công tác xã hội từ thiện.

Khi trò chuyện cùng ông, điều khiến tối ấn tượng sâu sắc nhất chính là câu nói: “ông ba học theo Bác Hồ, cống hiến hết sức mình để phục vụ bà con, dù còn một tấc hơi cũng phải làm lợi ích cho đời”.
Bên cạnh đó, với cuộc sống cần kiệm theo lời Bác dạy, ông làm gương cho con cháu về việc tiết kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt, với số tiền tiết kiệm được, ông còn tham gia đóng góp cho 2 tổ quỹ đồng cảm hỗ trợ bệnh nhân nghèo về chi phí điều trị bệnh với số tiền 150 ngàn mỗi tháng. Nếu gặp những trường hợp cần thiết, ông cũng có thể giúp nhiều hơn con số đó.
Kính thưa toàn thể quý vị,
Bây giờ đây, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng sẽ có một cách nhìn nhận riêng về nhân vật và sự việc trong câu chuyện tôi vừa kể. Để rồi sẽ nhìn lại chính mình, để tự nhắc mình phải sống và chung tay vào công cuộc chăm lo cho đồng bào mình như thế nào mới xứng đáng là thế hệ con cháu Bác Hồ.
Nhìn lại chặng đường làm công tác xã hội từ thiện của ông Đặng Hòa Hiệp, chúng ta có thể thấy, đây chính là một tấm gương rất đáng nể. Chỉ cần chúng ta biết trải lòng với những người xung quanh, sống chơn chất, cần kiệm, thì sẽ trở thành sự phản chiếu tốt nhất cho con cháu noi theo, mà gia đình tốt thì xã hội tốt, xã hội tốt thì đất nước sẽ phồn thịnh.
Trước khi khép lại câu chuyện, thay mặt đơn vị dự thi, xin được kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công đến toàn thể quý vị.
Xin trân trọng kính chào thân ái và đoàn kết!