Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2025
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2025
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2025
(Chinhphu.vn) - Chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng phụ cấp lưu trú khi đi công tác... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2025.
01/05/2025 09:05
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2025
Chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2025/NĐ-CP ngày 12/3/2025 quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách, bao gồm: đối tượng áp dụng, điều kiện, nguyên tắc, mức hưởng chính sách, quy trình xét duyệt hưởng chính sách, cấp phát gạo và kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em nhà trẻ, học sinh cơ sở giáo dục phổ thông, học sinh trường dự bị đại học, học viên cơ sở giáo dục thường xuyên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/5/2025.
Nguyên tắc xác định mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ
Chính phủ ban hành Nghị định 68/2025/NĐ-CP ngày 18/3/2025 sửa đổi Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 02/5/2025.
Theo đó, nguyên tắc xác định mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ như sau:
- Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó;
- Nếu có 01 tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt cụ thể được xác định trong khoảng từ trên mức tối thiểu đến dưới mức trung bình của khung tiền phạt; trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt;
- Nếu có 01 tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt cụ thể được xác định trong khoảng từ trên mức trung bình đến dưới mức tối đa của khung tiền phạt; trong trường hợp có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt;
- Nếu vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì giảm trừ một tình tiết tăng nặng với một tình tiết giảm nhẹ;
- Nếu nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định nguyên tắc xác định mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì áp dụng theo quy định tại nghị định đó.
Sửa quy định về nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam
Ngày 18/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam. Nghị định có hiệu lực từ ngày 19/5/2025.
Về tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài, Nghị định số 69/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 7 Nghị định 01/2014/NĐ-CP như sau: "5. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại các khoản 6, 6a Điều này hoặc trong thời gian thực hiện quy định tại khoản 9 Điều 14 Nghị định này. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 50% vốn điều lệ của một TCTD phi ngân hàng Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này."
Trong khi đó, khoản 6 Điều 7 Nghị định 01/2014/NĐ-CP cũng được sửa đổi, bổ sung: "6. Trong trường hợp đặc biệt để bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một TCTD cổ phần yếu kém, gặp khó khăn vượt giới hạn quy định tại các khoản 2, 3, 5 Điều này đối với từng trường hợp cụ thể."
Đồng thời, Nghị định số 69/2025/NĐ-CP cũng bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6 Điều 7 Nghị định 01/2014/NĐ-CP: "6a. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) được vượt 30% nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt và được thực hiện trong thời hạn của phương án chuyển giao bắt buộc."
Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp mới áp dụng từ 20/5/2025
Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 08/2025/QĐ-TTg ngày 4/4/2025 về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2025.
Trong đó, chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc được áp dụng đối với giám định trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần. So với Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg hiện nay, thì mức bồi dưỡng đã tăng thêm.
Theo quy định mới, một người thực hiện giám định trên người sống theo yêu cầu của người giám định sẽ được hưởng mức 400.000 đồng/nội dung yêu cầu giám định hoặc 500.000 đồng/nội dung yêu cầu giám định đối với trường hợp hội chẩn chuyên môn sâu là chuyên gia ở các chuyên khoa thực hiện.
Trong khi đó, hiện nay, mức bồi dưỡng là 160.000 đồng/nội dung yêu cầu giám định đối với khám chuyên khoa sâu ở các chuyên khoa; 200.000 đồng/nội dung yêu cầu giám định đối với khám tổng quát và 300.000 đồng/nội dung yêu cầu giám định đối với trường hợp hội chẩn chuyên môn sâu do người giám định tư pháp là chuyên gia ở các chuyên khoa thực hiện.
Quy chế tuyển dụng công chức viên chức mới từ 01/5/2025
Ngày 17/03/2025, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 001/2025/TT-BNV về Nội quy và Quy chế tuyển dụng, nâng ngạch, xét thăng hạng công chức, viên chức.
Theo đó, quy định đối với thí sinh tham gia tuyển dụng công chức, viên chức như sau:
(1) Phải có mặt tại phòng thi đúng giờ quy định. Thí sinh dự thi đến muộn sau thời điểm bắt đầu tính giờ làm bài thi, phần thi, môn thi (bài thi) thì được dự thi trong các trường hợp sau:
a- Không quá 05 phút đối với bài thi có thời gian thi tối đa 30 phút hoặc không quá 10 phút đối với bài thi có thời gian thi tối đa từ 60 phút trở lên;
b- Xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của pháp luật làm cho thí sinh không thể có mặt đúng giờ hoặc trong thời gian quy định tại điểm a khoản này. Trưởng ban coi thi, Trưởng ban phỏng vấn, Trưởng ban kiểm tra sát hạch báo cáo Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định việc thí sinh được dự thi đối với các trường hợp cụ thể.
(2) Trang phục gọn gàng, văn minh, lịch sự.
(3) Xuất trình Thẻ căn cước công dân hoặc Thẻ căn cước hoặc một trong các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có ảnh và thông tin cá nhân.
(4) Ngồi đúng vị trí theo số báo danh hoặc theo vị trí do Hội đồng thi quy định.
(5) Chỉ được mang vào phòng thi: thước kẻ, bút viết để làm bài thi; nước uống đựng trong bình chứa trong suốt không gắn tem mác hay có bất kỳ ký hiệu, ký tự nào; các loại giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của từng bài thi; một số loại thuốc mà thí sinh dự thi có bệnh án phải mang theo.
Không được mang vào phòng thi điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, các phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, phương tiện sao lưu dữ liệu, thiết bị chứa đựng, truyền tải thông tin khác, trừ trường hợp có quy định khác…
Thông tư 001/2025/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 01/5/2025.
Tăng phụ cấp lưu trú khi đi công tác
Theo Thông tư 12/2025/TT-BTC ngày 19/3/2025 của Bộ Tài chính thì từ ngày 4/5/2025, mức phụ cấp lưu trú cho cán bộ, công chức, viên chức khi đi công tác trong nước chính thức được tăng lên 300.000 đồng/ngày, cao hơn 100.000 đồng/ngày so với mức hiện hành.
Phụ cấp lưu trú là khoản hỗ trợ thêm ngoài tiền lương, được tính từ ngày bắt đầu đến khi kết thúc đợt công tác, bao gồm cả thời gian di chuyển và lưu trú. Đối với các chuyến công tác trong ngày (đi và về trong ngày), thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ vào số giờ thực tế, quãng đường di chuyển để quyết định mức phụ cấp phù hợp, đảm bảo được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ.
Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo sẽ được hưởng mức phụ cấp lưu trú 400.000 đồng/ngày thực tế, tăng 150.000 đồng/ngày. Những ngành nghề đã có chế độ đặc thù về công tác biển, đảo sẽ được chọn mức chi trả cao nhất theo quy định.
Mức thu phí duy trì sử dụng tên miền quốc gia .vn
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 10/2025/TT-BTC ngày 19/3/2025 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí duy trì sử dụng tài nguyên Internet, lệ phí phân bổ, cấp tài nguyên Internet; trong đó quy định về lệ phí đăng ký sử dụng tên miền quốc gia .vn.
Theo đó, mức phí duy trì sử dụng tên miền quốc gia .vn từ ngày 03/5/2025 thực hiện theo quy định tại Mục I Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 10/2025/TT-BTC, cụ thể:
- Tên miền cấp 2 có 1 ký tự: 40.000.000 đồng/năm.
- Tên miền cấp 2 có 2 ký tự: 10.000.000 đồng/năm.
- Tên miền cấp 2 khác: 350.000 đồng/năm.
- Tên miền cấp 3 dưới tên miền cấp 2 dùng chung:
+ com.vn, net.vn, biz.vn, ai.vn: 250.000 đồng/năm.
+ Các tên miền dưới: edu.vn, gov.vn, org.vn, ac.vn, health.vn, int.vn và tên miền theo địa giới hành chính: 100.000 đồng/năm.
+ info.vn, pro.vn, id.vn: 50.000 đồng/năm.
+ name.vn, io.vn: 20.000 đồng/năm.
- Tên miền tiếng Việt: 20.000 đồng/năm.
Thông tư 10/2025/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 03/5/2025.
Tuyển sinh đại học 2025: Sửa đổi quy định về tổ chức xét tuyển thẳng từ 05/05/2025
Ngày 19/03/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.
Theo đó, khoản 8 Điều 1 Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT đã sửa đổi, bổ sung Điều 17 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về việc tổ chức đăng ký và xét tuyển thẳng như sau:
- Căn cứ đề án tuyển sinh đã công bố, cơ sở đào tạo tổ chức cho thí sinh thuộc đối tượng được xét tuyển thẳng theo quy định tại Điều 8 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT đăng ký dự tuyển bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại cơ sở đào tạo.
- Cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển thẳng cho những thí sinh đủ điều kiện, công bố và đưa danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các phương thức xét tuyển khác theo kế hoạch chung, hoàn thành trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống.
- Thí sinh đã trúng tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển thẳng thực hiện đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ GDĐT để lựa chọn chương trình, ngành, nhóm ngành đã trúng tuyển thẳng tại một cơ sở đào tạo hoặc đăng ký nguyện vọng xét tuyển khác.
- Thí sinh trúng tuyển thẳng xác nhận nhập học theo kế hoạch chung; cơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh cam kết nhập học hoặc xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung.
Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 05/5/2025.
https://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-5-2025-102250429164101489.htm
Gây rối tại phòng thi công chức có thể bị xử lý hình sự; bỏ Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5.
Gây rối tại phòng thi công chức có thể bị xử lý hình sự
Thông tư 001/2025 của Bộ Nội vụ quy định nội quy và quy chế tuyển dụng, nâng ngạch, xét thăng hạng công chức, viên chức, có hiệu lực từ ngày 1/5.
Kỳ thi tuyển dụng công chức TP Hà Nội năm 2024.
Liên quan đến xử lý thí sinh vi phạm, thông tư nêu rõ thí sinh bị khiển trách trong bài thi nào sẽ bị trừ 25% tổng số câu trả lời đúng hoặc 25% tổng số điểm đạt được của bài thi đó.
Thí sinh bị cảnh cáo trong bài thi nào sẽ bị trừ 50% tổng số câu trả lời đúng hoặc 50% tổng số điểm đạt được của bài thi đó.
Khi tổng hợp kết quả, căn cứ biên bản xử lý vi phạm do giám thị phòng thi lập và báo cáo của Trưởng ban coi thi, Trưởng ban phỏng vấn, Trưởng ban kiểm tra sát hạch, Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định việc trừ số câu trả lời đúng hoặc trừ số điểm.
Trường hợp thí sinh gây mất an toàn, trật tự làm ảnh hưởng đến phòng thi thì ngoài việc bị đình chỉ, hủy kết quả thi, tùy theo tính chất, mức độ còn bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự.
Ngoài ra, trường hợp thí sinh dự thi là cán bộ, công chức, viên chức nếu bị đình chỉ thi hoặc bị hủy kết quả thi, thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ trưởng đi công tác được thuê phòng nghỉ 4 triệu đồng/ngày
Có hiệu lực từ ngày 4/5, Thông tư 12/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40/2017 của Bộ trưởng Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
Thông tư nêu rõ, cán bộ lãnh đạo cấp Bộ trưởng được chi trả tiền thuê phòng ở 4.000.000 đồng/ngày, không phân biệt nơi đến. Mức này tăng 1.500.000 đồng so với hiện hành và 1.000.000 đồng so với dự thảo hồi cuối năm 2024.
Thứ trưởng và các chức danh tương đương được chi trả tiền phòng 2.000.000 đồng/ngày nếu đến công tác tại thành phố trực thuộc Trung ương; 1.800.000 đồng/ngày khi về các tỉnh. Mức này tăng 700.000 - 900.000 đồng so với hiện hành.
Lãnh đạo hưởng hệ số phụ cấp chức vụ 0,8 - 1,2 đi công tác tại thành phố thuộc Trung ương được chi trả tiền phòng 1.200.000 đồng/ngày; 800.000 đồng/ngày nếu đi các tỉnh còn lại.
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi công tác tại thành phố trực thuộc Trung ương được chi trả tiền phòng 1.400.000 đồng/ngày cho hai người và 1.100.000 đồng/ngày khi đi địa phương khác.
Thông tư của Bộ Tài chính cũng nâng mức phụ cấp lưu trú, tức khoản hỗ trợ thêm cho người đi công tác ngoài tiền lương do cơ quan chi trả. Khoản này được tính từ ngày bắt đầu đi cho đến khi kết thúc đợt công tác.
Theo đó, phụ cấp lưu trú nâng lên 300.000 đồng/ngày, tăng 100.000 đồng so với hiện hành.
Trường hợp đi công tác trong ngày (đi và về trong ngày), thủ trưởng cơ quan, đơn vị, quyết định mức phụ cấp lưu trú theo các tiêu chí: Số giờ thực tế đi công tác trong ngày (bao gồm cả thời gian đi trên đường), quãng đường đi công tác và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở đất liền được cử đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú 400.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển, đảo (áp dụng cho cả những ngày làm việc trên biển, đảo, những ngày đi, về trên biển, đảo). Quy định cũ 250.000 đồng/người/ngày.
Trường hợp một số ngành đặc thù đã được cấp có thẩm quyền quy định về chế độ khi đi công tác trên biển, đảo thì được chọn chế độ quy định cao nhất (phụ cấp lưu trú hoặc chi bồi dưỡng) để chi trả cho người đi công tác.
Học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ ăn ở gần 1,3 triệu đồng/tháng
Có hiệu lực từ ngày 1/5, Nghị định số 66/2025 của Chính phủ quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.
Chính phủ quy định học sinh bán trú, học viên bán trú được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, hỗ trợ gạo.
Nghị định nêu rõ, học sinh bán trú, học viên bán trú được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, hỗ trợ gạo.
Cụ thể, về tiền ăn, mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ 936.000 đồng/tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.
Về tiền nhà ở, mỗi học sinh bán trú, học viên bán trú phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí chỗ ở trong trường hoặc học sinh lớp 1, lớp 2, học sinh khuyết tật có nhu cầu tự túc chỗ ở gần trường để người thân chăm sóc thì được hỗ trợ 360.000 đồng/tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.
Ngoài ra, mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.
Đối với học sinh bán trú lớp 1 là người dân tộc thiểu số có học tiếng Việt trước khi vào học chương trình lớp 1 thì được hưởng thêm 1 tháng các chính sách quy định trên.
Nghị định của Chính phủ quy định học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học được hưởng học bổng chính sách, khen thưởng, trang cấp đồ dùng cá nhân và học phẩm, tiền tàu xe, hỗ trợ gạo.
Trong năm học, học sinh đạt danh hiệu "Học sinh Xuất sắc" được thưởng 800.000 đồng/học sinh; học sinh đạt danh hiệu "Học sinh Giỏi" được thưởng 600.000 đồng/học sinh.
Học sinh dân tộc nội trú ở mỗi cấp học và học sinh dự bị đại học được cấp một lần bằng hiện vật: Chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh. Mỗi năm học, học sinh được cấp 2 bộ quần áo đồng phục và học phẩm gồm: Vở, giấy, bút và các dụng cụ học tập khác với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh.
Học sinh dân tộc nội trú được cấp tiền tàu xe 2 lần vào dịp Tết Nguyên đán và dịp nghỉ hè (cả lượt đi và lượt về) theo giá vé thông thường của phương tiện giao thông công cộng. Học sinh dự bị đại học và học sinh dân tộc nội trú cuối cấp chỉ được cấp tiền tàu xe một lần vào dịp Tết Nguyên đán (cả lượt đi và lượt về).
Mức hỗ trợ gạo của học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học cũng là 15kg/tháng và hưởng không quá 9 tháng/năm học.
Đối tượng áp dụng Nghị định số 66/2025 của Chính phủ gồm: Trẻ em nhà trẻ bán trú học tại cơ sở giáo dục mầm non; học sinh bán trú học tại cơ sở giáo dục phổ thông; học viên bán trú học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Học sinh dân tộc nội trú học tại cơ sở giáo dục phổ thông được cấp có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc nội trú, trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, trường Hữu nghị 80, trường Hữu nghị T78; học sinh dự bị đại học học tại trường dự bị đại học, trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.
Bỏ Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu
Theo Thông tư số 18/2025 của Bộ Công Thương về sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh xăng dầu, từ ngày 2/5, Bộ Công Thương sẽ công bố giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu dựa trên số liệu giá thành phần và ý kiến của Bộ Tài chính.
Bộ Công Thương bổ sung quy định về báo cáo tình hình sử dụng kho xăng dầu áp dụng đối với thương nhân đầu mối và phân phối xăng dầu.
Đồng thời, thông tư này bãi bỏ quy định về Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu, nâng cao tính chủ động trong quản lý nguồn cung và giá cả thị trường.
Các mặt hàng nhiên liệu sẽ được Bộ Công Thương công bố giá, gồm xăng sinh học, xăng khoáng RON 95-III và các mặt hàng dầu (diesel, dầu hỏa, mazut).
Đáng chú ý, thông tư này bãi bỏ quy định về Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu, quy định về phương pháp tính giá cơ sở, cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu.
Như vậy, cơ chế điều hành giá xăng dầu thay đổi, không còn Tổ liên ngành Tài chính - Công Thương như hiện nay.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng bổ sung quy định về báo cáo tình hình sử dụng kho xăng dầu áp dụng đối với thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu sở hữu kho xăng dầu cho thuê và đi thuê kho xăng dầu; giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về tình hình sử dụng kho.
Cụ thể, đối với thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu có kho cho thuê hoặc đi thuê kho có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý tình hình sử dụng và cho thuê kho gửi về Bộ Công Thương và Sở Công Thương tại địa bàn cho thuê kho trước ngày 10 của tháng đầu tiên của kỳ kế tiếp.
Các thông tin cần báo cáo gồm tên và địa chỉ của kho, tổng dung tích kho, tên, địa chỉ thương nhân thuê kho, bể, dung tích cho thuê, sản lượng xăng dầu qua kho trong kỳ báo cáo.
Sở Công Thương các tỉnh, thành sẽ kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hợp đồng thuê kho, sản lượng xăng dầu nhập, xuất qua kho của thương nhân kinh doanh xăng dầu đi thuê kho trên địa bàn. Đồng thời, quy định trường hợp khi phát hiện thương nhân có dấu hiệu không sử dụng kho đi thuê theo hợp đồng đã ký, kịp thời báo cáo về Bộ Công Thương để phối hợp quản lý.
Theo VTC News
https://baoangiang.com.vn/chinh-sach-moi-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-5-2025-a420021.html