Skip to main content

Phú Thọ Tuyên truyền, vận động nông dân tham gia Đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải

Phú Thọ Tuyên truyền, vận động nông dân tham gia Đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải

 

Chiều ngày 21 tháng 02 năm 2025, tại ấp Phú Hậu, Hội Nông dân xã Phú Thọ phối hợp Trạm Trồng Trọt và Bảo Vệ Thực Vật Phú Tân, tổ chức buổi tuyên truyền, vận động nông dân tham gia Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh và hướng dẫn áp dụng các gói kỹ thuật về canh tác lúa đảm bảo sản xuất bền vững cho 34 hội viên, nông dân trên địa bàn xã Phú Thọ.

Đến tham dự buổi tuyên truyền có Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh – Phó Trưởng Trạm Trồng Trọt và Bảo Vệ Thực Vật Phú Tân, ông Trần Chí Đính – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thọ, ông Huỳnh Văn Tâm – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thọ Mỹ Hưng, Kỹ thuật viên Nông nghiệp phụ trách xã và 34 hội viên, nông dân canh tác tại Phú Thọ.

(Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh – Trạm TT&BVTV Phú Tân triển khai Đề án)

Tại đây, bà con nông dân được nghe triển khai chi tiết những nội dung trọng tâm của Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; Kế hoạch về diện tích của An Giang tham gia Đề án; Giải pháp quy hoạch và tổ chức lại sản xuất; Củng cố và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; Hiệu quả của Đề án (hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường); Quy trình canh tác bền vững: lượng giống gieo sạ từ 80-100 kg/héc-ta, giảm 20% lượng phân bón hóa học, giảm 20% lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. Đảm bảo 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (Sustainable Rice Platform – SRP).

Ngoài ra, còn cần đảm bảo các bước: làm đất; quản lý nước; gieo sạ áp dụng cơ giới hóa; bón phân hợp lý và cân đối; quản lý dịch hại - sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng; thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; quản lý rơm rạ theo nguyên lý tuần hoàn.

Bên cạnh đó, bà con hội viên nông dân cũng được triển khai về những chính sách sẽ được hỗ trợ khi tham gia vào mô hình Đề án.

(Ông Trần Chí Đính triển khai về chính sách hỗ trợ nông dân tham gia Đề án)

Thông qua buổi tập huấn, giúp cho bà con nâng cao nhận thức về hiệu quả của Đề án, lợi ích của việc đảm bảo quy trình canh tác lúa chất lượng cao.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Phú Thọ sẽ tăng cường phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã, Kỹ thuật viên Nông nghiệp và các ngành có liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, triển khai nhân rộng diện tích tham gia vào Đề án cho nông dân xã nhà. Nhằm chung tay, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch một triệu héc-ta của Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang nói chung, mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương và tăng thu nhập cho nông dân nói riêng./.

Bích Hạnh - Hội Nông dân xã Phú Thọ